HOTLINE 0982.789.125

Khủng hoảng kinh tế: thế mà đã 5 năm!

[14/09 16:23]

Nguyễn Quang Bình (*)
Thứ Năm,  12/9/2013, 10:12 (GMT 7)
Phóng to 

Thu nhỏ 

Add to Favorites 

In bài 

Gửi cho bạn bè

Giới tài chính-ngân hàng ắt phải rùng mình mỗi khi nhớ lại ngày 15 tháng 9 năm 2008. Đó chính là ngày sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers, cây cổ thụ của ngành ngân hàng Mỹ, một trong những hòn đá tảng xây nên niềm kiêu hãnh của nền tài chính Mỹ, đến thời điểm ấy vẫn là bức tường thành kiên cố bảo bọc uy tín cho ngành ngân hàng-tài chính nước này. Đó cũng chính là ngày mở đầu cho cuộc khủng hoảng kinh tế, ngay lập tức lây lan trên toàn thế giới, đến ngày hôm nay hình như vẫn còn lây lất đây đó.

Lehman Brothers là ngân hàng thương mại có tuổi đời 158 năm. Nhiều người vẫn xem nó là cây đa cây đề trong ngành vì đã từng vượt qua bao cơn sóng gió, trong đó có cuộc Đại khủng hoảng ở những năm thuộc thập niên 30 của thế kỷ trước. Thế mà, đến thời điểm ấy, cách nay đúng 5 năm, Lehman Brothers ngập ngụa trong các hợp đồng thế chấp nguy hiểm, quá tay cung cấp những khoản tín dụng khổng lồ cho ngành bất động sản…

Chới với, lãnh đạo ngân hàng này không ngớt xin được cứu vớt. Giới chính trị gia và tài chính-ngân hàng bấy giờ vẫn tin rằng dù tình trạng đến nước nào đi nữa, chính quyền liên bang cũng sẽ ra tay tháo gỡ vì uy danh và niềm tự hào của nền tài chính-ngân hàng nước này. Nhưng...Tổng thống Mỹ bấy giờ, George Bush (con) đã cắn răng tuyên bố “KHÔNG”, sẵn sàng cho ngân hàng tiếng tăm này phá sản.

Thế là Lehman Brothers phải phá sản. Một quyết định phũ phàng. Cả thế giới tài chính-ngân hàng đi từ ngỡ ngàng đến náo loạn. Giới chóp bu ngân hàng nhìn quanh, tự nhủ không biết khi nào đến phiên mình!

Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã thực sự là một cơn địa chấn có cường độ cực mạnh, tạo nên những đợt sóng thần quét theo nhiều ngân hàng kinh doanh tại châu Âu. Một loạt ngân hàng tên tuổi mới hôm qua đây vẫn còn rần rần cung cấp tín dụng cho các hãng kinh doanh hàng hóa, các tay trùm bất động sản…như Fortis, Dexia, rồi KBC… Tiếp theo là hàng loạt quốc gia đều “dính chấu” với khủng hoảng nợ công như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý…rồi làm sụp đổ ngành ngân hàng và suy vi chính phủ đảo quốc Cyprus…

Trong những ngày này, giới truyền thông và báo chí châu Âu đang cố gắng nhìn lại những hy sinh mất mát khi cơn sóng thần này phủ đầu. Như đối với Vương quốc Bỉ, nước này đã liên tục đưa ra các gói cứu trợ, kích cầu tổng cộng lên đến 26 tỉ euro tính từ năm 2008 đến 2012. Trong đó, thiệt hại “ròng” cho đến nay ước chừng gần 15 tỉ euro…

Ngay tại nước ta, chính phủ đã phải tung ra gói kích cầu năm 2009 gồm 8 tỉ đô la Mỹ, trong đó dành 1 tỉ đô la để hỗ trợ lãi suất.

Giả sử như ở thời điểm ấy, vị tổng thống Mỹ gật đầu cứu Lehman Brothers thì tình hình nay chắc sẽ khác đi nhiều. Lắm người cho rằng nếu ông ấy “Ừ”, bong bóng giá càng phình to chưa biết đến mức nào, thị trường chứng khoán thế giới, bất động sản và nhiều thị trường hàng hóa khác sẽ như con ngựa bất kham; hệ thống tài chính sẽ không tài nào kiểm soát nổi. Và một lúc nào đó, nó sẽ sụp đổ, tang thương hơn, vô phương cứu chữa.

Ngạn ngữ Pháp có câu : Cái gì cũng “với chữ ‘nếu’ và ‘nhưng’, thì cả thành phố Paris nhét vào cái chai còn được” (Avec des “si” et des “mais”, on mettrait Paris dans une bouteille). May mà lịch sử không thể quay lại.

Biết đâu rằng, nhờ vị tổng thống kia nói “không”, những góc khuất, khuất tất của hệ thống tài chính ngân hàng nhiều nơi trên thế giới ngày càng được phơi bày; những trận đi đêm vì lợi nhuận giữa các ngân hàng kinh doanh và giới đầu cơ tài chính dần dần bị phát hiện; những móc ngoéo sở hữu chéo trong ngành ngân hàng giữa nhiều đại gia được đưa ra ánh sáng và ngăn chặn kịp thời…

Thế giới đã trả giá khá đắt cho cái lắc đầu ấy. Song, biết đâu được đấy chính là biểu thị sự bất bình đối với tính hám lợi, máu tham lam của nhiều đại gia trên thị trường tài chính ngân hàng. Trong tiếng Việt mình, “tham” thường đi với “gian”. Ở một nghĩa đàng hoàng nhất của từ này, “gian” là “làm bậy”, làm sai với quy luật, của sự vật hiện tượng và của lương tâm. Làm sai quy luật là “gian”, “gian” ắt phải gặp “nguy” là đúng rồi.

Nói “KHÔNG” trong trường hợp này là giúp thế giới tài chính ngân hàng tránh được gian nguy về sau vậy.

___________________________________

(*) Giám đốc Công ty TNHH CTA Việt Nam


TƯ VẤN ĐẦU TƯ CÀ PHÊ
LIÊN HỆ: 0982.789.125
TIN TỨC MỚI
Xem tất cả
Giá cà phê hôm nay
THÔNG TIN NGÂN HÀNG
  • Ngân hàng Nông Nghiệp & PTNN (Agribank)
  • Tên: Trần Minh Vương
  • Số TK: 190 120 613 9041
  • Chi nhánh Bình Phú – 442 Trường Chinh, P13, Q.TB, Tp.HCM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Công ty TNHH Nhịp Điệu Thị Trường Toàn Cầu
  • MST : 031.123.7890
  • Địa chỉ : Phòng 14B3, Tòa nhà Phúc Yên, 31- 33 Phan Huy Ích, Phường 15, Q.Tân Bình, Tp.HCM
  • Hotline : 0982.789.125
  • Email : info@cafevang.vn
Tuyên bố trách nhiệm: Các bài viết trên trang www.cafevang.vn chỉ là quan điểm cá nhân của (các) tác giả và khách hàng phải cân nhắc mục tiêu đầu tư và việc chịu rủi ro. Chúng tôi không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ tổn thất nào phát sinh từ mọi thông tin được đưa ra tại đây. Thành tích quá khứ không đảm bảo hoặc dự báo bất kỳ thành tích tương lai nào.