HOTLINE 0982.789.125

Làm gì để dòng vốn tiếp tục chảy mạnh ?

[15/12 13:22]

 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể coi là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2013; với việc chấm dứt tình trạng thu hút vốn năm sau giảm hơn năm trước trong suốt 4 năm (2009-2012). Đâu là nguyên nhân và phải làm gì để tiếp tục đà tăng trưởng đáng lạc quan này - đó là những vấn đề được

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Thưa ông, kết quả thu hút FDI trong 11 tháng của năm 2013 (tính đến ngày 20-11-2013) đã vượt xa mức mong đợi của cả năm. So với cùng kỳ năm 2012, vốn FDI đăng ký trong 11 tháng của năm 2013 tăng 54,2%, còn so với mục tiêu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra từ đầu năm 2013 là thu hút khoảng 13-14 tỷ USD trong cả năm thì đã vượt 54%. Ông có bình luận gì?

Vốn FDI tăng mạnh trong năm qua có một đặc điểm đáng lưu ý là sự xuất hiện của các dự án “khủng”, kể cả đầu tư mới và bổ sung vốn. Nổi bật là dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (2,8 tỷ USD), dự án chuyên sản xuất vi mạch điện tử và linh kiện cho điện thoại di động của Samsung (1,2 tỷ USD)... Điều này cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, dù có mặt này mặt khác khiến họ chưa hài lòng.

Một trong những trường hợp rất nên tìm hiểu kỹ là Samsung Electronics Việt Nam (SEV). Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của riêng SEV đã có khả năng đạt 20 tỷ USD; chiếm xấp xỉ 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Họ sử dụng khoảng 100 ha đất để tạo ra giá trị này và bắt đầu từ năm 2013 đóng thuế TNDN 5%, đồng nghĩa với đóng góp thêm khoảng 1.000 tỷ đồng cho ngân sách; tạo ra giá trị khoảng 10 tỷ đồng/ 1ha đất. Con số này còn tăng lên gấp đôi, khi họ đóng đủ mức thuế TNDN 10% từ thời điểm hết thời hạn giảm thuế cho đến hết thời gian hoạt động của dự án. Doanh nghiệp này còn sử dụng hàng nghìn công nhân, trong đó có một đội ngũ đông đảo kỹ sư, cán bộ quản lý cao cấp; chưa kể hơn 60 nhà sản xuất phụ trợ. Tại sao cũng là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao mà một tập đoàn lớn như Intel, cũng triển khai dự án trị giá tỷ đô, lại không hoạt động hiệu quả được như vậy?

Ngược lại, tại sao chúng ta từng nghĩ sau thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản thì sẽ có một làn sóng đầu tư mới từ quốc gia này vào Việt Nam, nhưng trên thực tế đã không có “làn sóng” nào cả, dù họ vẫn ổn định trong tốp những nhà đầu tư lớn nhất.

Phải trả lời cặn kẽ được những câu hỏi đó thì mới biết được chính xác chúng ta cần làm gì để duy trì cho dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh.

Năm 2013 đánh dấu một mốc hết sức quan trọng: 25 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những mặt mạnh, yếu trong suốt chặng đường đó, cuối tháng 8-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Hẳn là trong Nghị quyết cũng đã đề cập đến những chiến lược và giải pháp nhằm đạt mục tiêu thu hút và phát huy hiệu quả FDI, thưa ông?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng của năm 2013, Việt Nam đã thu hút được 1.175 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký đạt 13,779 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ và 446 lượt dự án đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 7,036 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ.

Tính gộp cả vốn đăng ký mới và bổ sung, Việt Nam thu hút được 20,815 tỷ USD vốn FDI. Vốn FDI giải ngân đạt 10,55 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ và đạt mục tiêu đặt ra từ đầu năm là giải ngân từ 10,5-11 tỷ USD.

Đúng vậy. Tuy nhiên, đã 4 tháng trôi qua, có vẻ như các giải pháp trong Nghị quyết vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu, dù ngay trong Nghị quyết đã nêu rõ 60 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có trên 30 phần việc, bao gồm xây dựng và trình Chính phủ hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan việc xây dựng danh mục dự án kêu gọi thu hút FDI, nghiên cứu cơ chế để chống chuyển giá, hay xây dựng đề án thành lập Quỹ Cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, xây dựng Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi FDI… phải hoàn tất trong năm 2013. Các phần việc còn lại (như sửa Luật Đầu tư, nghiên cứu và xây dựng Luật Khuyến khích và phát triển công nghiệp hỗ trợ…) phải xong trong năm 2014. Thế nhưng hầu như chưa thấy có gì được triển khai rõ rệt cả.

Vậy theo ông, trong năm 2014, chúng ta cần phải chú trọng điều gì?

Rất đơn giản! Hãy triển khai một cách có kết quả những nội dung như đã nêu trong Nghị quyết 103. Đặc biệt, công tác quản lý “hậu kiểm” cần phải được chấn chỉnh. Tại sao doanh nghiệp lại có thể “bỏ trốn”? Đó là bởi tình trạng rất thiếu thông tin về FDI. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu hiện nay đều chỉ trông cậy vào báo cáo tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với những số liệu cộng gộp các báo cáo về vốn đăng ký, vốn thực hiện, xuất khẩu, nhập khẩu... Gần như không có sự liên thông cần thiết giữa các cơ quan quản lý về đầu tư, thuế, lao động - xã hội... trong cùng địa phương và giữa các địa phương với Trung ương. Để duy trì nguồn vốn FDI ở mức dự kiến, ngoài việc hoàn thiện khung chính sách, thì công tác xúc tiến đầu tư phải được nâng cấp về chất lượng: Có tính mục tiêu rõ ràng hơn, thậm chí đừng ngần ngại “mang chuông đi đánh xứ người”. Một chuyện khác, cũ nhưng vẫn mới: Làm thế nào để tăng hàm lượng giá trị gia tăng của các dự án FDI, làm thế nào để phía Việt Nam tiến đến làm chủ được thị trường, kỹ thuật và công nghệ để có thể tự đứng trên đôi chân mình...

Ông có thể dự báo như thế nào về bức tranh toàn cảnh FDI năm 2014?

Các nhà đầu tư lớn nhất chắc vẫn duy trì vị thế của mình. Tuy nhiên, Cộng hòa Liên bang Nga - một đối tác từng có quan hệ hữu hảo nhiều năm với ta - đang nổi lên. Cơ cấu đầu tư sẽ không có xáo trộn gì lớn trong năm tới, với công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đứng ở hàng đầu. Song lĩnh vực thương mại còn nhiều dư địa và có tác động tương hỗ với các lĩnh vực sản xuất khác, nên chú trọng phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Bình An

HẢI QUAN


TƯ VẤN ĐẦU TƯ CÀ PHÊ
LIÊN HỆ: 0982.789.125
TIN TỨC MỚI
Xem tất cả
Giá cà phê hôm nay
THÔNG TIN NGÂN HÀNG
  • Ngân hàng Nông Nghiệp & PTNN (Agribank)
  • Tên: Trần Minh Vương
  • Số TK: 190 120 613 9041
  • Chi nhánh Bình Phú – 442 Trường Chinh, P13, Q.TB, Tp.HCM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Công ty TNHH Nhịp Điệu Thị Trường Toàn Cầu
  • MST : 031.123.7890
  • Địa chỉ : Phòng 14B3, Tòa nhà Phúc Yên, 31- 33 Phan Huy Ích, Phường 15, Q.Tân Bình, Tp.HCM
  • Hotline : 0982.789.125
  • Email : info@cafevang.vn
Tuyên bố trách nhiệm: Các bài viết trên trang www.cafevang.vn chỉ là quan điểm cá nhân của (các) tác giả và khách hàng phải cân nhắc mục tiêu đầu tư và việc chịu rủi ro. Chúng tôi không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ tổn thất nào phát sinh từ mọi thông tin được đưa ra tại đây. Thành tích quá khứ không đảm bảo hoặc dự báo bất kỳ thành tích tương lai nào.